Oval Việt Nam > Tấm lợp > Giường chống hoại tử cho người bệnh phải nằm lâu


Ý tưởng sáng chế nhờ bị… tai nạn

Khi hỏi về nguyên nhân của sáng chế này thì anh Bảo chia sẻ: nếu nói về ý tưởng thì đã xuất hiện trong tôi từ rất lâu rồi, khoảng năm 1999. Năm đó, tôi bị tai nạn và nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM). Trong quá trình cấp cứu và ở lại phòng hồi sức, tôi thấy rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn vô cùng đau đớn, nhất là khi họ cần phải thay tấm trải giường.

Bởi mỗi lần thay ga trải, người thân hay y tá phải di chuyển người bệnh vừa ảnh hưởng tới sự hồi phục lại vừa tốn quá nhiều công sức. Đấy là chưa kể đến việc những người đang bị chấn thương nặng về cột sống hoặc là những chấn thương cần phải cố định vết thương thì họ càng đau đớn.
 

Giuong chong hoai tu cho benh nhan
Chiếc giường có khả năng chống hoại tử dành cho người bệnh phải nằm lâu.

Những hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi cho tới mãi về sau này. Nhật là lúc khi bà nội tôi già yếu, không thể di chuyển được thì trong quá trình chăm sóc bà cũng khiến tôi trăn trở nhiều hơn. Kể từ đó, bất cứ lúc nào trong đầu tôi cũng có suy nghĩ đó là phải nghĩ ra cách gì, phải làm thế nào để thay tấm trải giường trong khi người bệnh vẫn có thể nằm yên trên giường?

Tuy nhiên, phải mãi đến năm 2008, chiếc giường đặc biệt này mới được hoàn thiện dần về tính năng, nhằm đảm bảo yêu cầu về thuận lợi khi sử dụng và thẩm mỹ.

Sản phẩm chưa có trên thị trường

Theo anh Bảo thì chiếc giường này chưa hề có trên thị trường. Nó vừa có tiện ích là thay drap không phải di chuyển bệnh nhân, lại vừa chống hoại tử cho người bệnh phải nằm lâu.

Cấu tạo của giường bao gồm: thân giường, vạt giường, nệm, drap có kết cấu riêng. Chỉ cần áp dụng các giải pháp cơ học thông thường là vặn ốc thì một người có thể thay drap (ga)  một cách dễ dàng nhờ vào nguyên tắc cài răng lược của vạt giường. Trong lúc làm vệ sinh giường, bệnh nhân không cần di chuyển.  

Đây là điểm khác biệt so với các vạt giường thông thường. Theo đó, khi thay drap, từng phần của vạt giường sẽ được hạ xuống. Bộ drap được mô phỏng theo dạng chiếc găng tay, còn nệm là những thanh nhỏ khớp với từng thanh của vạt giường, nên trong quá trình vệ sinh và thay drap phần vạt này, bệnh nhân vẫn nằm cố định trên phần vạt kia.

Bên cạch tiện ích đó, cái yêu cầu thứ hai mà chiếc giường này đạt được là bản thân nhân viên y tế, thân nhân, người phục vụ cũng chỉ là một người. Không cần thêm nhân lực khác bởi những thao tác thực hiện cực kì đơn giản, tiện lợi.

“Bất cứ khi nào khi thấy tấm trải giường bị bẩn cần thay thế thì người phục vụ sẽ tự thay một cách đơn giản và nhẹ nhàng, không ảnh hường đến tư thế nằm của bệnh nhân và thậm chí bệnh nhân vẫn có thể ngủ yên trong lúc thay. Ngoài ra, chiếc giường này còn có thể nâng lên và hạ xuống phần đầu, chân của bệnh nhân một cách tùy ý”, anh Bảo mô tả.

Theo sự đánh giá của nguyên phó giám đốc Sở KH – CN Tp. HCM Trương Thùy Trang thì chiếc giường này thỏa mãn các tiêu chí về tính mới, tính sáng tạo và có thể áp dụng thương mại… Cũng như nó có ý nghĩa xã hội rất lớn. Chính vì vậy, nó đã được cơ quan pháp luật Nhà nước là Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sáng chế và đạt Giải thưởng Sáng chế Tp. HCM năm 2011.

Trong tương lai gần đây, chiếc giường đặc biệt này sẽ sớm được hoàn thiện hơn về thẩm mỹ để sớm phục vụ cho công tác điều trị, góp phần giải quyết được khó khăn khi chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi. Thậm chí, người bệnh đi vệ sinh cũng không cần di chuyển và giường sẽ có phần rung để người bệnh cảm thấy thoải mái khi nằm lâu.

( Nguồn : Báo Đất Việt )